Năm 2024, doanh nghiệp có được thế chấp đất trong Khu công nghiệp để vay vốn không?

Năm 2024, doanh nghiệp có được thế chấp đất trong Khu công nghiệp để vay vốn không?

Doanh nghiệp thế chấp đất trong Khu công nghiệp để vay vốn
Doanh nghiệp thế chấp đất trong Khu công nghiệp để vay vốn

Thế chấp quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp là hình thức đảm bảo tài sản phổ biến trong các giao dịch tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật đất đai năm 2024, doanh nghiệp được quyền thế chấp quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả đất trong khu công nghiệp đều có thể thế chấp, mà điều này còn phụ thuộc vào hình thức thuê đất và các quy định pháp luật liên quan.

1. Các trường hợp được thế chấp theo quy định

  • Trường hợp 1:

Khoản 1 điều 33 Luật đất đai năm 2024 quy định: Doanh nghiệp được Nhà nước giao thu tiền sử dụng đất hoặc nhà nước cho thuê đất trả tiền tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế, cá nhân theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu doanh nghiệp thuê đất trong khu công nghiệp và đã trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, thì có quyền thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

  • Trường hợp 2:

Theo quy định tại Khoản 1 điều 34 Luật đất đai năm 2024, Doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm được quyền thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế, cá nhân theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, doanh nghiệp không được thế chấp quyền sử dụng đất, mà chỉ được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê.

2. Điều kiện thực hiện quyền thế chấp tài sản trong Khu công nghiệp để vay vốn

Để thực hiện quyền thế chấp, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật đất đai năm 2024, cụ thể như sau:
– Có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản theo quy định pháp luật về đất đai.
– Đất không có tranh chấp hoặc trường hợp xảy ra tranh chấp nhưng đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay bản án hoặc quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài có hiệu lực pháp luật;
– Tài sản không bị kê biên hay áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án;
– Còn thời hạn sử dụng đất;
– Tài sản không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

3. Quy trình thực hiện thủ tục thế chấp

Hợp đồng thế chấp tài sản phải tuân thủ quy định về nội dung và hình thức, được công chứng theo đúng quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 27 Luật đất đai năm 2024. Quy trình thực hiện thế chấp quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, doanh nghiệp cần tuân thủ các bước sau:

3.1 Chuẩn bị hồ sơ:

Bộ hồ sơ doanh nghiệp cần chuẩn bị bao gồm:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (nếu có);
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp;
– Điều lệ Công ty;
– Biên bản họp, nghị quyết phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp;
– Báo cáo tài chính gần nhất của công ty;
– Giấy tờ tùy thân của người đại diện theo pháp luật.

3.2 Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ nêu trên, các bên tiến hành công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền.

Thủ tục thế chấp tài sản trong KCN
Thủ tục thế chấp tài sản trong Khu công nghiệp

3.3 Đăng ký giao dịch bảo đảm

Sau khi hoàn tất thủ tục công chứng Hợp đồng thế chấp tài sản, doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thế chấp tại Văn phòng Đăng ký đất đai nơi có đất, hồ sơ bao gồm:
– Phiếu yêu cầu đăng ký thế chấp (theo mẫu);
– Hợp đồng thế chấp tài sản;
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo quy định pháp luật về đất đai;
– Giấy tờ chứng minh nhân thân của người nộp hồ sơ và giấy ủy quyền (nếu có);
Thời hạn giải quyết: Từ 03 đến 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

3.4 Nhận kết quả đăng ký

Sau khi hoàn tất thủ tục, doanh nghiệp nhận lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi chú về việc thế chấp và các giấy tờ liên quan bàn giao cho tổ chức tín dụng – bên nhận thế chấp tài sản.
Thế chấp tài sản trong khu công nghiệp là một giải pháp hiệu quả để huy động vốn, giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn lực tài chính nhằm mở rộng sản xuất và phát triển. Tuy nhiên, giải pháp này đi kèm với những ràng buộc pháp lý và rủi ro nhất định, đòi hỏi sự cẩn trọng và am hiểu sâu sắc về các quy định pháp luật. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ chặt chẽ các quy trình pháp lý không chỉ đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp mà còn giúp sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh cạnh tranh. Bằng cách tận dụng tối đa tiềm năng từ tài sản, đất đai trong khu công nghiệp, doanh nghiệp có thể đạt được những lợi thế trong chiến lược lâu dài. Đây là bài viết tham khảo từ Kho Xưởng Đẹp, hy vọng sẽ mang đến nguồn thông tin hữu ích để hỗ trợ bạn đọc trong quá trình vận hành và phát triển doanh nghiệp.