Pháp lý khi xây dựng và đầu tư nhà xưởng trong Khu công nghiệp theo quy định mới nhất 2024

Pháp lý khi xây dựng và đầu tư nhà xưởng trong Khu công nghiệp theo quy định mới nhất 2024

Để xây dựng và kinh doanh nhà xưởng trong khu công nghiệp, doanh nghiệp cần tuân thủ các điều kiện và quy định pháp luật. Trong bài viết này, Kho xưởng đẹp sẽ cung cấp mốt số vấn đề pháp lý then chốt cần lưu ý cho Doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư và xây dựng nhà xưởng trong Khu công nghiệp cụ thể như sau:

1. Giấy phép xây dựng

Giấy phép xây dựng là cơ sở pháp lý để xác nhận công trình được phép thi công, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Trừ những trường hợp được miễn xin giấy phép xây dựng, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục xin giấy phép xây dựng khi tiến hành xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa, nhà xưởng.

2. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là tài liệu pháp lý chính thức, xác nhận dự án đầu tư được phép thực hiện theo quy định của pháp luật. Đối với những doanh nghiệp khi thực hiện dự án trong khu công nghiệp, cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không chỉ là yêu cầu pháp lý bắt buộc theo quy định mà còn giúp doanh nghiệp đảm bảo tính hợp pháp và thuận lợi trong quá trình triển khai dự án. Điều này tạo điều kiện để dự án vận hành suôn sẻ, đồng thời giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các quyền lợi và cơ hội kinh doanh trong khu công nghiệp.

3. Quy hoạch và thiết kế

Nhà xưởng trong Khu công nghiệp xây dựng đúng với quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt và đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn thiết kế xây dựng công nghiệp, đảm bảo an toàn và chất lượng công trình.

Nhà xưởng trong Khu công nghiệp cần được xây dựng đúng quy hoạch, thiết kế và phù hợp với luật định
Nhà xưởng trong Khu công nghiệp cần được xây dựng đúng quy hoạch, thiết kế và phù hợp với luật định

4. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

Đánh giá tác động môi trường là một yêu cầu pháp lý được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục báo cáo tác động môi trường và được cơ quan chức năng phê duyệt trước khi triển khai dự án. Việc tuân thủ đánh giá tác động môi trường giúp đánh giá và dự báo tác động của dự án đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, nguồn nước, không khí và môi trường sống xung quanh dự án. Từ đó, đưa ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, từ đó doanh nghiệp tránh các hình thức xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động hoặc buộc phải khắc phục hậu quả do vi phạm.

5. Phòng cháy chữa cháy

Nhà xưởng trong khu công nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, bao gồm thiết kế hệ thống phòng cháy và chữa cháy. Hồ sơ thiết kế phòng cháy chữa cháy cần được cơ quan chức năng thẩm duyệt và phê duyệt trước khi thi công.Việc tuân thủ phòng cháy chữa cháy giúp giảm thiểu rủi ro cháy nổ, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động, đảm bảo thiết kế và trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành, giúp doanh nghiệp đảm bảo an toàn, hoạt động bền vững và giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn trong quá trình sản xuất kinh doanh.

6. Thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020, doanh nghiệp phải được đăng ký thành lập và có tư cách pháp nhân để thực hiện các hoạt động kinh doanh, bao gồm đầu tư, xây dựng và vận hành dự án trong khu công nghiệp. Doanh nghiệp cần đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật và đăng ký những ngành nghề mà doanh nghiệp mình kinh doanh. Nếu không đăng ký, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị buộc dừng hoạt động kinh doanh. Việc đăng ký ngành nghề đảm bảo thực thi pháp luật, tạo niềm tin cho khách hàng và đối tác, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và ổn định.

Pháp lý trong xây dựng và kinh doanh nhà xưởng trong KCN
Pháp lý trong xây dựng và kinh doanh nhà xưởng trong KCN

7. Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản

Doanh nghiệp cần đảm bảo có đầy đủ giấy tờ chứng minh, đảm bảo quyền sử dụng đất hợp pháp, không có tranh chấp và phù hợp với mục đích sử dụng đất trong khu công nghiệp.

8. Hợp đồng

Khi ký kết hợp đồng xây dựng, thi công, thuê đất, hoặc cho thuê lại nhà xưởng, cần đảm bảo các hợp đồng được lập bằng văn bản, có công chứng (nếu cần) và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Trong quá trình vận hành và phát triển, doanh nghiệp cần soạn thảo các mẫu Hợp đồng tuân thủ quy định về nội dung, hình thức nhằm tạo sự chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý, hạn chế tranh chấp xảy ra trong quá trình kinh doanh.
Việc tuân thủ pháp luật là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tránh những rủi ro không mong muốn. Thông qua bài viết này, Kho xưởng đẹp hi vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về pháp lý trong quá trình xây dựng và kinh doanh nhà xưởng Khu công nghiệp, giúp bạn có thêm kiến thức để tự tin hơn khi thực hiện các thủ tục pháp lý hoặc xử lý các tình huống thực tế.